Nghỉ Tết Nguyên đán 2024, phần lớn học sinh trên cả nước được nghỉ đến 16 ngày, nơi ít nhất là 8 ngày. Với kỳ nghỉ Tết dài như vậy, nhiều giáo viên luôn khuyên phụ huynh không gây áp lực bài vở, học tập trong kỳ nghỉ Tết mà tạo điều kiện cho học sinh có kỳ nghỉ đúng nghĩa để các con có thêm những kỷ niệm đẹp, ấm áp bên gia đình, biết trân trọng hơn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng nhiều năm nay, nhiều trường học có chủ trương không giao bài tập Tết cho các con. Thay vào đó, thầy cô đã giao cho học trò của mình những "bài tập", nhiệm vụ rất đa dạng, khiến học sinh vô cùng thích thú.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan – giáo viên trường THPT Cát Bà, Hải Phòng chia sẻ: "Nhiều năm nay giáo viên nhà trường không giao bài tập trong dịp Tết cho học sinh. Bởi thầy cô đều xác định khoảng thời gian này để học sinh nghỉ ngơi, trải nghiệm và tận hưởng không khí ngày Xuân. Học sinh cần được chơi, vui với tuổi thơ chứ ngày nghỉ mà cứ lo canh cánh làm bài thì sao còn hứng thú. Kỳ nghỉ Tết đâu còn ý nghĩa!". Tuy nhiên, trước khi nghỉ Tết, nhà trường cũng căn dặn học sinh ngoài vui chơi cũng nên dành thời gian nhất định vào buổi tối để ôn bài, tránh việc sao nhãng kiến thức.

Học sinh lớp 6I1 trường THCS Cát Linh trong tiết học tìm hiểu nhạc cụ dân tộc

Cũng theo cô Lan, giáo viên khối 10 và 11 không giao bài tập về nhà cho học sinh. Riêng học sinh khối 12, thầy cô bộ môn cũng sẽ giao một số bài tập theo hình thức trắc nghiệm với mục đích giúp các em không bị quên kiến thức và nhanh bắt nhịp với việc học sau kỳ nghỉ. Nhà trường chỉ đạo và định hướng thầy cô cho bài tập với lượng kiến thức ở mức độ ôn tập nhẹ nhàng. Tuần đầu tiên khi học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ, nhà trường sẽ dành để ổn định, củng cố, nhắc lại kiến thức cho các em nên phụ huynh có thể an tâm.

Nhiều người suy nghĩ, kỳ nghỉ dài ngày làm thế nào để quản lý con mình vừa an toàn, vừa có những trải nghiệm bổ ích, kết thúc thời gian nghỉ, không phải vật lộn với con trong việc đến trường, quay lại nề nếp cũ.

Học sinh tham gia trò chơi dân gian - Bịt mắt bắt vịt

"Ngoài chuyện cho con được vui chơi thoải mái, phụ huynh nên phân công con tham gia những công việc chuẩn bị Tết của gia đình. Các con có thể trải nghiệm các công việc như lau dọn, trang trí nhà, gói bánh chưng, sắp mâm ngũ quả ngày Tết, yêu cầu con phụ giúp để con biết trân trọng giá trị sức lao động, từ đó biết sẻ chia những vất vả của cha mẹ", cô Nguyễn Cẩm Thanh – Giáo viên trường Tiểu học Hanh Cù – Thanh Ba – Phú Thọ chia sẻ.

Cô Thanh cho biết thêm: "Trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết, phụ huynh hãy cùng con hoàn thành các nội dung bài tập, sắp xếp góc học tập gọn gàng, khoa học để tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho học sinh trong ngày khai bút, cảm thấy hứng thú và động lực khi quay trở lại việc học. Phụ huynh có thể bố trí thời gian để cùng con lập một thời gian biểu trong những ngày nghỉ. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng con chuẩn bị những món quà để chia sẻ, tặng bạn bè ngày đầu năm mới, cho phép con mua một vài món đồ con yêu thích để chào đón ngày quay lại trường hoặc cùng con xây dựng một clip chia sẻ về các kỷ niệm trong những ngày Tết của các bạn hay là cảm xúc hào hứng của con khi được quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài…

Học sinh trường Tiểu học Cát Linh trong một buổi dã ngoại

Mỗi năm, trước khi nghỉ Tết, giáo viên chủ nhiệm các khối lớp tại Trường Tiểu học Cát Linh (Quận Đống Đa, Hà Nội) đều giao học sinh các "bài tập" đặc biệt khiến học sinh vô cùng thích thú. "Bài tập" Tết của học sinh ở trường học này có thể là giúp đỡ ông bà, cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, có ý thức giữ gìn môi trường sống. Bên cạnh đó, một số lớp giao học sinh viết nhật ký Tết hoặc chọn một cuốn sách để đọc rồi viết về nhật ký đọc sách. Các lớp khác yêu cầu học sinh chụp ảnh, quay video giới thiệu những cảnh đẹp mà các em có dịp đến vào ngày Tết hay những lời chúc Tết người thân rồi quay clip gửi về giáo viên chủ nhiệm...

Còn cô Bùi Thị Lanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5H, Trường Tiểu học Cát Linh chia sẻ, trong dịp nghỉ Tết, "bài tập" mà giáo viên giao cho học sinh là ghi lại những khoảnh khắc mà gia đình đã làm, hoạt động trước, trong và sau Tết. Sau đó, ba mẹ sẽ gửi hình ảnh cho giáo viên. Cô sẽ tổng hợp thông tin của từng học sinh và ghép vào khung trái tim, để lưu giữ lại khoảnh khắc, sản phẩm của các em.

Riêng học sinh cuối cấp cấp THCS và THPT phải duy trì chế độ học tập đều đặn để tham gia các kỳ thi sắp tới. Các em phải nghĩ rằng năm nay là năm quyết định nên lúc nào cũng phải lưu ý ôn tập bài vở một chút, không nên quá vui chơi mà quên đi kiến thức. Tuy nhiên, việc duy trì này theo kiểu thói quen nhẹ nhàng chứ không căng thẳng, nặng nề, tự tạo áp lực.

Nỗi lo lắng con hổng kiến thức sau kỳ nghỉ dài là tâm lý chung, dễ hiểu của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho con có một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. Ví dụ năm nay, học sinh ở Hà Nội được nghỉ 8 ngày, phụ huynh nên dành một ngày cùng con sắp xếp lại góc học tập, lên kế hoạch sinh hoạt trong những ngày Tết, cho phép con nghỉ ngơi vui chơi thoải mái từ ngày 29 đến hết Mùng 2 Tết.

Tối mùng 3, phụ huynh nên cùng con khai bút đầu năm, làm các bài tập khởi động. Lúc này, cha mẹ nên chia nhỏ ra thành các cụm bài, mỗi ngày yêu cầu con giải quyết hết một cụm nhỏ. Như vậy sau kỳ nghỉ dài, con nhanh chóng lấy lại thói quen học hành và tự giác với nhiệm vụ thường nhật của mình. Cùng với cách lồng ghép khéo léo giữa việc chơi và học, cha mẹ nên hướng dẫn con cách quản lý thời gian hợp lý, tránh để dư âm Tết kéo dài trong tư tưởng của con.

Bên cạnh đó, sau khi học sinh bắt đầu khởi động lịch học lại, phụ huynh nên hướng dẫn con quay lại giờ giấc sinh hoạt như trước kỳ nghỉ Tết để duy trì nền nếp để khi con quay trở lại lớp học, con sẽ không cảm thấy quá ngại và mệt mỏi.

Nhanh chóng giúp con trở lại với nhịp học tập

Mỗi kỳ nghỉ Tết, anh Lê Anh Chiến (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa con cái về quê đón Tết cùng ông bà và kết hợp nghỉ ngơi. Anh Quang chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều cho hai con về ăn Tết ở quê, các cháu được tham gia gói bánh chưng, đi chợ Tết, chúc Tết ông bà, họ hàng… Chúng tôi không ép con phải học hay làm bài tập trong những ngày này. Tuy nhiên, cả gia đình sẽ trở lại thành phố sớm 2 ngày trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết để các con nghỉ ngơi, lấy lại nhịp độ sinh hoạt ngày thường, xem lại thời khóa biểu và khởi động việc học tập của mình sau kỳ nghỉ dài".

Để các em không còn tâm lý tiếc nuối, uể oải, bắt ngay vào nhịp học thì khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên nên thiết kế nhiều hình thức học tập phong phú, đa dạng, tạo sự hứng khởi cho học sinh như: Học tập thông qua trò chơi, hoạt động trải nghiệm. Phụ huynh nên hướng dẫn con ôn bài. Lưu ý, trong những ngày này không nên bắt con học cường độ cao, chỉ cần học những môn con thấy hứng thú và thích. Khi con đã vào nhịp trở lại, phụ huynh mới gợi ý cho con chuẩn bị bài cho ngày đầu quay trở lại trường.